LTS: Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng, thuốc lá điện tử không độc hại lại thơm miệng, thể hiện sự sành điệu. Thực tế, ngoài lượng nicotine được “chế” đa dạng, chất tạo màu, mùi hấp dẫn… các chuyên gia còn phát hiện trong một số mẫu thuốc lá điện tử có ma túy tổng hợp và các chất nguy hại khác.
Tuyến bài “Thuốc lá điện tử, hiểm họa khôn lường” của VietNamNet nhằm cung cấp thông tin về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở người trẻ và hậu quả từ việc sử dụng loại thuốc lá này. Loạt bài cũng góp tiếng nói để cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp kịp thời bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thử một hơi bất tỉnh nhân sự
N.V.T. (16 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) bắt đầu hút thuốc lá điện tử cách đây hơn 1 năm. Mới đây, T. được một người bạn giới thiệu cho hút loại mới.
“Lúc đưa cho em hút, bạn không nói dung dịch bên trong là gì. Em nghĩ, chắc cũng như các loại bình thường nên thử một hơi. Tự nhiên đầu óc em quay cuồng. Khi tỉnh dậy, em thấy mình nằm trong viện”, T. thuật lại, ánh mắt đầy sợ hãi.
Sau hơn 2 ngày điều trị, T. vẫn còn nguy cơ co giật, cần phải theo dõi tiếp. Bản thân T. cũng thấy rất mệt mỏi, khó chịu.
Mẹ của T. - người đàn bà gầy gò, mắt thâm quầng, nhìn con đầy lo lắng. Bà cho biết, đây là lần đầu tiên T. phải nhập viện và có biểu hiện nặng như vậy.
“Nghe bạn bè T. kể lại, lúc hút xong T. lịm đi, sùi bọt mép, chân tay co quắp, lên gân. Mọi người hô hoán, đưa con vào bệnh viện huyện. Sau đó bệnh viện huyện chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai”, mẹ T. nói, mặt tái mét.
Trường hợp như T. không phải hiếm ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân 20 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê sâu do sử dụng thuốc lá điện tử.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, nữ bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan nặng, suy tim, não có tổn thương lan tỏa, xung huyết não.
Phía bệnh viện đã gửi mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân sử dụng sang Viện Pháp y Quốc gia để xét nghiệm. Tại đây, các chuyên gia tìm thấy trong mẫu thử có một chất cần sa tổng hợp (ADB- BUTINACA) là loại ma túy thế hệ mới.
“Điều này cho thấy bệnh nhân đã ngộ độc cần sa tổng hợp”, TS.BS Nguyên thông tin.
Độc tố tràn vào trường
Nguy hại là vậy nhưng theo ghi nhận của PV, hiện tượng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử không ít.
Phần lớn, các em đến quán trà sữa, giải khát cách khuôn viên trường học không xa để sử dụng thuốc lá điện tử. Thậm chí, có em hút ngay sau khi vừa rời khỏi cổng trường.
Nhóm PV VietNamNet theo chân 3 học sinh của một trường cấp III tại huyện Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) trong một ngày cuối tháng 10.
Sau khi ra khỏi cổng trường, ba học sinh này chở nhau trên một chiếc xe gắn máy.
Hai em ngồi sau thoải mái đưa Pod (thuốc lá điện tử đời mới nhất - PV) lên miệng hút, phà ra những đám khói trắng xóa. Cả 3 truyền cho nhau hút đến khi chiếc xe dừng lại ở một quán trà sữa.
Tại đây, ba nam sinh nhập vào nhóm bạn đang ngồi với la liệt thuốc lá điện tử đặt trên bàn.
Quán đông khách, đủ mọi lứa tuổi nhưng nhóm vẫn thản nhiên nhả khói. Thậm chí, vài em còn có hành động phiêu theo làn khói vừa được mình phà ra.
Một số khác bàn tán, chia sẻ với nhau về hương vị, độ tạo khói… của những loại thuốc lá điện tử một cách rôm rả.
Tiết lộ với PV, N.H.L.Q. (học sinh một trường cấp II tại quận Bình Tân, TP.HCM) quả quyết, không chỉ học sinh cấp III, trường Q. cũng có nhiều học sinh hút thuốc lá điện tử.
Thậm chí, một số bạn hút luôn trong trường. Có bạn còn hút ngay trong lớp học.
Để làm được việc này, học sinh mang thuốc lá điện tử có hình dạng cây son môi, cây bút, móc khóa… giấu trong nhà vệ sinh của trường.
Giờ ra chơi, các em ra nhà vệ sinh, cắt cử một người đứng canh thầy, cô. Số còn lại vào trong hút. Có học sinh hút luôn trong lớp, trong tiết học.
“Các bạn thường hút lúc đầu tiết học hoặc vừa hết tiết khi các thầy cô chưa vào lớp hoặc vừa rời đi. Hút xong, các bạn lại bỏ vào túi quần hoặc cặp sách. Em từng thấy một bạn ghiền quá hút ngay lúc cô giảng bài. Cô quay lên bảng viết thì bạn lấy Pod từ hộc bàn ra hút. Hút xong, bạn kéo cổ áo, thở khói vào bên trong”, Q. nói.
Nam sinh này còn tiết lộ, những bạn hút thuốc lá điện tử trong trường không hoàn toàn là học sinh cá biệt. Ngoài học sinh nam, một số bạn nữ cũng sử dụng thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử hiện rất đa dạng về hình dáng, màu sắc. Dung dịch dùng trong thuốc lá không chỉ có mùi vị hấp dẫn mà một số còn có cả ma túy tổng hợp để tăng độ phê, kích thích tình dục… Quan trọng hơn, việc mua bán những loại dung dịch có chứa ma túy như thế này khá dễ dàng.
Tỷ lệ đáng lo Nghiên cứu vừa công bố của Hội Y tế công cộng Việt Nam cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao, với tỷ lệ chung là 7,3%, tỷ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18-24. Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội, do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. |
Nhóm PV
Vì sao chỉ hút thử một hơi, người dùng trẻ phải nhập viện trong tình trạng tổn thương đa tạng? Loại “chất độc” này được bán ở đâu, việc mua nó có khó khăn không? Câu trả lời sẽ có trong Kỳ 2: Độc tố đáng sợ mua dễ như rau, học sinh thi nhau đặt hàng.
Tác giả: THCS Văn Yên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Kế hoạch số 02/KH-PGDĐT v/v thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025 của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông
Thời gian đăng: 09/01/2025
Kế hoạch thực hiện Đề án số 03-ĐA-QU ngày 09/11/2020 của Quận ủy về "Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và hướng nghiệp dạy nghề quận Hà Đông giai đoạn 2020-2025" năm 2025
Thời gian đăng: 06/01/2025
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT qui định về việc dạy thêm, học thêm
Thời gian đăng: 06/01/2025
Các biểu mẫu công khai chất lượng năm học 2023-2024
Thời gian đăng: 27/07/2024
Công văn số 3057/SGDĐT-CTTT-KHCN v/v chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Thời gian đăng: 06/09/2024
Quyết định số 4354/QĐ-UBND v/v ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thời gian đăng: 22/08/2024