Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền giáo dục đang thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh dạy học trực tuyến, học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều. Điều này đặt ra vấn đề về đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia học tập, giải trí trên không gian mạng.
Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Công ty Luật Gattaca, cho biết: "Học sinh tham gia vào mạng internet có nguy cơ đối mặt với tình trạng bị bắt nạt, bị xâm phạm quyền riêng tư, xâm hại tình dục qua mạng, có thể mất phương hướng để phát triển nhân cách và có hành vi sai lệch do sự nhiễu loạn thông tin".
"A dua" theo đám đông, không nhận thức được đúng sai dễ vi phạm
Theo Luật sư Nguyễn Thành Nam, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Việt Nam sẽ phải đối mặt và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những thay đổi phức tạp của an ninh mạng, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Học sinh, trẻ em là lực lượng đông đảo tham gia học tập, giải trí trên không gian mạng và ở độ tuổi này các em chưa nhận thức được đúng sai, có thể a dua theo đám đông hoặc bị lợi dụng nên dẫn tới vi phạm các điều cấm trong Luật An ninh mạng.
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thành Nam cho biết, học sinh có nhiều nguy cơ sa ngã, vi phạm Luật An ninh mạng (Ảnh: Luật sư Nam cung cấp) |
Luật sư Nguyễn Thành Nam cho biết: "Điều 8, Luật An ninh mạng có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng.
Học sinh sẽ được coi là vi phạm quy định trên nếu có các hành vi: sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể như các hành vi vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; cấu kết, xúi giục, lôi kéo người chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; đăng tải những thông tin sai lệch, đồi trụy, tội ác, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…".
Theo Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thành Nam, thực tế đã có nhiều trường hợp vi phạm Luật An ninh mạng như việc đăng tải những thông tin phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đã có hiện tượng các em học sinh bình luận hay livestream bằng những lời lẽ và hành động phản cảm, thiếu văn hóa.
Đối với hành vi vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, thời gian trước, có một số bạn trẻ livestream, ghi hình khi đi xem phim tại các rạp chiếu phim và phát tán trên mạng xã hội. Những hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt theo pháp luật Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, học sinh có thể đăng tải những thông tin sai lệch lên không gian mạng, vô tình tiếp tay cho các thế lực phản động hoặc phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng. Những hành vi này có thể xuất phát từ việc các em chưa đủ nhận thức để chọn lọc thông tin cũng như không ý thức đầy đủ về sự nguy hiểm của việc chia sẻ thông tin.
Ông Nam nêu thí dụ: "Trong thời điểm dịch Covid 19 vừa qua, việc chia sẻ những thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh diễn ra một cách tràn lan. Không chỉ các em học sinh, nhiều phụ huynh cũng đã chia sẻ những bài đăng chưa được kiểm chứng này.
Lợi dụng tình hình trên, các thế lực phản động cũng đã phán tán những bài đăng chống phá nhà nước, gây bất an trong dư luận xã hội.
Vấn đề này diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tương lai".
Cần tích cực học hỏi và phát triển năng lực số
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, đối với việc xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội, chúng ta vẫn chưa có những quy định cụ thể.
Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và năng lực trách nhiệm pháp lý của các em học sinh, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Luật An ninh mạng hoặc nghiêm trọng hơn là các biện pháp hình sự trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Cần nâng cao, phát triển năng lực số cho học sinh (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn) |
"Để tránh những vi phạm về Luật An ninh mạng, học sinh nên tích cực học hỏi và sử dụng thiết bị số, năng lực xử lý thông tin trong môi trường số, năng lực giao tiếp trong môi trường số, an toàn trong quá trình làm việc, học tập trong môi trường số và cách giải quyết vấn đề khi có sự cố, định hướng nghề nghiệp trong môi trường số", ông Nam khẳng định.
Đặc biệt, trường học cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục Luật An ninh mạng cho học sinh, bởi đây là môi trường mà các em học sinh hàng ngày tiếp xúc và phát triển bản thân.
Nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về luật An ninh mạng, đồng thời quyết liệt ngăn chặn và bảo vệ học sinh khỏi những hành vi tiêu cực, vi phạm luật An ninh mạng.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cũng nêu ra 3 nhiệm vụ quan trọng của trường học trong việc giáo dục Luật An ninh mạng cho học sinh:
Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin và phổ biến kiến thức về an ninh mạng cho không chỉ các em học sinh, mà còn tới cả phụ huynh, các thầy cô và cán bộ nhân viên trong nhà trường. Để làm được điều này đòi hỏi nhà trường phải không ngừng tự nâng cao và bồi dưỡng kiến thức về các quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, cần tăng cường mối quan hệ hai chiều giữa nhà trường – phụ huynh học sinh để kịp thời nắm bắt tình hình, ngăn chặn, dập tắt những biểu hiện của hành vi vi phạm luật An ninh mạng luôn tiềm ẩn trong môi trường xung quanh học sinh.
Thứ ba, cần xây dựng và phát triển một môi trường học đường lành mạnh, học sinh và giáo viên thân thiện để kịp thời nắm bắt tâm lí của học sinh.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thành Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT quy định về việc đưa nội dung an ninh mạng nói riêng và vấn đề giáo dục Luật An ninh mạng nói chung vào chương trình trung học phổ thông.
Điều này có ý nghĩa trang bị cho học sinh kiến thức để tự bảo vệ mình trước thông tin xấu, độc, nguy hại; giúp học sinh bảo vệ bản thân, tránh việc sa ngã vào con đường vi phạm pháp luật, phạm tội, giúp các em học tập, vui chơi, giải trí một cách lành mạnh, an toàn.
Vấn đề an ninh mạng còn nhằm giáo dục năng lực số trong khung năng lực số của UNESCO như năng lực sử dụng thiết bị số, năng lực xử lý thông tin trong môi trường số, năng lực giao tiếp trong môi trường số, an toàn trong quá trình làm việc, học tập trong môi trường số và cách giải quyết vấn đề khi có sự cố.
Điều này giúp học sinh Việt Nam có kỹ năng tốt hơn khi giao tiếp, xử lý thông tin trên môi trường mạng để học tập, mở rộng tầm hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế.
Phạm MinhTác giả: THCS Văn Yên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Các biểu mẫu công khai chất lượng năm học 2023-2024
Thời gian đăng: 27/07/2024
Công văn số 3057/SGDĐT-CTTT-KHCN v/v chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Thời gian đăng: 06/09/2024
Quyết định số 4354/QĐ-UBND v/v ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thời gian đăng: 22/08/2024
Quyết định số 2045/QĐ-BGDĐT v/v Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên
Thời gian đăng: 06/08/2024
Kế hoạch 106/KH-PGDĐT v/v Triển khai xây dựng trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Hà Đông
Thời gian đăng: 01/08/2024
Kế hoạch số 105/KH-PGDĐT về việc Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30/CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025"
Thời gian đăng: 16/07/2024