Cổ vũ bạo lực hoặc dạy con nín nhịn?
Mạng xã hội đang xôn xao về một vụ bạo lực học đường xảy ra giữa các học sinh của một ngôi trường quốc tế tại TP HCM. Vụ việc đang thu hút rất nhiều bình luận của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng, nhà trường cần giải quyết vụ việc thỏa đáng, ngăn chặn bạo lực học đường. Mặt khác, cũng có những ý kiến cho rằng không nên ủng hộ một phía khi sự việc chưa rõ ràng, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, làm trong sạch môi trường giáo dục...
Đứng trước một vụ bạo lực học đường, thực tế cho thấy phụ huynh thường có hai cách ứng xử hoàn toàn trái ngược nhau. Đó là dạy trẻ hãy dùng hành động tương tự để chống trả hoặc bảo con phải nhẫn nhịn. Ở cách dạy thứ nhất, vô hình chung phụ huynh đã lan truyền quan niệm giáo dục cổ vũ bạo lực. Đây là một tư tưởng lệch lạc về cách hành xử giữa người với người, dễ khiến con cái trở thành người có hành vi bạo lực.
Nhưng nếu phụ huynh ngại phiền phức hoặc không muốn làm lớn chuyện khi con bị bắt nạt nên bảo con phải nhẫn nhịn thì theo các chuyên gia về hành vi trẻ em việc một đứa trẻ im lặng hoặc rút lui khi bị đánh hoặc giành đồ chơi, sẽ vô tình khuyến khích hành vi bạo lực và giành giật của đối phương.
Không thể bảo con đánh trả, cũng không thể nhắm mắt làm lơ bảo con nhẫn nhịn. Vậy khi con cái gặp tình trạng bạo lực học đường, phụ huynh nên làm gì để giúp con giải tỏa được cảm xúc tiêu cực và giải quyết vấn đề đúng đắn?
Còn nhớ đã từng có một câu chuyện về câu trả lời của một người cha được đánh giá là thể hiện EQ cực cao. Bởi ông không những giải đáp thắc mắc cho con, còn khéo léo dạy con cách xử lý đúng đắn. Đồng thời, cách ứng xử đó cũng bảo vệ lòng tự tôn của con cái, rèn luyện cho con năng lực xử lý tình huống độc lập.
Chuyện là một hôm sau khi tan học về nhà, thấy con gái tâm trạng không tốt, ăn cơm xong người cha bèn hỏi bóng gió ở trường con có chuyện không vui à, không ngờ con gái hỏi lại: “Ví dụ con bị đánh thì có được đánh trả không ạ?” Câu hỏi này khiến người làm cha nghĩ ngay đến việc có phải con gái mình bị bắt nạt không, và vì rất yêu thương con gái nên ông suýt không nhịn được đã hỏi ai bắt nạt con, còn định dạy cô bé “Đánh trả ngay! Đừng để mình chịu thiệt!”
Nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt vừa tủi thân vừa tò mò của con, ông đã dặn mình phải bình tĩnh hơn, đáp: “Con yêu, cha kể cho con nghe một bí mật nhé, trước đây khi đi học, cha từng bị bạn bè bắt nạt. Nhưng lần đầu tiên cha không đánh trả mà đi mách giáo viên. Thế mà sau đó bạn ấy không biết sửa sai, đến lần thứ hai bị bắt nạt cha đã đánh trả, dù sau đó cũng bị thầy phê bình.” Nghe hết chuyện cha kể, con gái đã bẽn lẽn cười, nép vào lòng ông gật đầu: “Con biết rồi ạ”.
Những điều cha mẹ nên và không nên làm
Trong một lần trả lời báo chí ông Nguyễn Trọng An nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH, chuyên gia về trẻ em đã từng đưa ra nhận định, tình trạng bạo lực học đường tuy không mới, nhưng ngày càng nghiêm trọng. Đây là vấn đề nhạy cảm nên cần cân nhắc xử lý hợp tình, hợp lý, nên công khai, minh bạch mọi thông tin về bạo lực học đường để tìm cách giải quyết.
“Khi xảy ra sự việc trẻ bị bạn đánh, bố mẹ nên bình tĩnh để tìm ra biện pháp thích hợp. Có thể xác minh xem con giao lưu với ai, tìm hiểu về đứa trẻ đã hành hung con mình, tìm hiểu lý do vì sao con mình bị đánh. Sau đó, gia đình gặp gỡ phụ huynh của học sinh đó để trao đổi. Cha mẹ của học sinh hành hung cần biết cách giáo dục, khuyên nhủ ngăn ngừa sự tái phạm. Gia đình cũng nên gặp giáo viên để nhắc nhở trẻ đã đánh con mình, nên đề nghị giáo viên tăng cường giáo dục cho học sinh tình yêu thương, tình đoàn kết trong lớp học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh thân thiết và tránh xung đột” – theo ông An.
Mặt khác, bố mẹ các em cũng phải đề nghị nhà trường tăng cường hệ thống và biện pháp bảo vệ hiệu quả, răn đe và xử nghiêm minh những hành vi bạo lực học đường. Nếu bố mẹ chứng kiến cảnh con mình bị bạn dọa dẫm thì xuất hiện ngay để chúng biết mình là bố mẹ của trẻ. Không nên tìm cách dằn mặt gây bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng vì sợ bị trả thù hoặc không nên thờ ơ bỏ qua chuyện con bị dọa nạt và cho rằng đó là chuyện nhỏ do xích mích trẻ con.
“Với cả những bạn học sinh là nạn nhân hay cả bạn gây ra bạo lực học đường thì người lớn (thầy cô giáo, cha mẹ trẻ) phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Tiếp đó, người lớn cần phải giúp trẻ hiểu được sai lầm của mình, tự giác nhận lỗi và nhận hình phạt phù hợp”, ông An tư vấn.
Cũng theo ông An, ngay sau đó, bố mẹ cần phải hỗ trợ tâm lý cho con, bằng cách trao đổi với giáo viên, chuyên gia tâm lý ổn định tâm lý cho trẻ, vì trẻ bị bạo lực thường để lại những sang chấn tâm lý rất nghiêm trọng. Để phòng ngừa con bị đánh, bố mẹ nên trang bị cho con một số kỹ năng cần thiết như nên kêu cứu khi bị đánh, không khiêu khích, không đánh lại bạn, tìm cách thoát thân, nhờ giáo viên, bố mẹ trợ giúp để không bị đánh đập.
Ở một góc nhìn khác, trước vụ bạo lực học đường xảy ra giữa các học sinh của một ngôi trường quốc tế tại TP HCM chuyên gia Bùi Khánh Nguyên chỉ rằng khi con bị bạo hành ở trường, cha mẹ có 8 quyền và 2 điều không được phép làm để đảm bảo mục tiêu tối thượng là bảo vệ an toàn cho em học sinh gặp nạn, mục tiêu tiếp theo là cảm hóa được học sinh sai phạm, giúp em đó chủ động nhận thức được lỗi và hòa giải thành công với bạn.
Thứ nhất, quyền được nhà trường chủ động thông tin ngay khi có sự việc xảy ra vượt quá mức độ thông thường. Ví dụ, khi đã có sự xâm phạm thân thể hoặc thương tích.
Thứ hai, quyền được nhà trường thông tin rõ ràng về chính sách, nội quy của nhà trường đối với các hành vi bị kỷ luật của học sinh, cũng như quy trình thực hiện các biện pháp kỷ luật học sinh.
Thứ ba, quyền yêu cầu nhà trường lập hội đồng kỷ luật để xem xét vụ việc xâm phạm tới con mình và quyền được tham gia các cuộc họp với nhà trường để trao đổi thông tin, giải quyết sự việc.
Thứ tư, quyền yêu cầu nhà trường có chính sách bảo vệ an toàn cho con trong trường hợp con bị đe dọa bởi bạn bè hoặc người lớn trong trường.
Thứ năm, quyền yêu cầu cho con tạm ngưng học để ngăn chặn việc xấu xảy ra cũng như bảo vệ tâm lý cho con.
Thứ sáu, quyền được yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ từ các nhân sự liên quan trong trường như y tá trường, chuyên viên tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp.
Thứ bảy, quyền khiếu nại về việc nhà trường không thực hiện đúng quy trình kỷ luật học sinh cũng như không ngăn chặn bạo lực học đường.
Thứ tám, quyền được báo cảnh sát trong trường hợp trường không giải quyết sự việc hợp lý dẫn tới việc con bị thương tích, xâm hại…
Hai điều phụ huynh không được làm đó là không được gặp trực tiếp học sinh gây ra thương tích hay xâm hại bạn. Lý do trường học phải ngăn chặn cuộc gặp này vì từ phía bị xâm hại, cha mẹ có thể không kiềm chế được và lao vào tấn công đứa trẻ phía bên kia. Như vậy thì từ một cái sai này sẽ dẫn tới một cái sai khác, và tiếp tục đẩy tình huống vào mức tệ hơn lúc ban đầu. Không được gặp trực tiếp gia đình của đứa trẻ gây ra lỗi, với lý do tương tự là tránh xung đột, bạo lực giữa hai gia đình. Thông thường nếu có tổ chức gặp, phải được tổ chức trong trường và do trường sắp xếp.
Các yếu tố tác động đến bạo lực học đường
Thay vì lên án, chỉ trích bạo lực học đường, hãy nhận diện rõ những yếu tố tác động bao gồm: cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội, để từ đó có những biện pháp hữu hiệu trong phòng chống và hạn chế vấn nạn này.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Ánh Tuyết, Tổng đài Tư vấn trực tuyến Tâm lý học đường, trẻ em lứa tuổi từ 11 đến 17 có sự chuyển biến về tâm lý. Đây là giai đoạn các em phát triển và hoàn thiện nhân cách - lứa tuổi bùng phát năng lượng. Các em đề cao cái “tôi”, thích làm “người hùng” và muốn chứng minh cho mọi người xung quanh là mình đã lớn. Nếu các em không được giáo dục cẩn thận ngay từ nhỏ ở gia đình, nhà trường, không được chú trọng rèn kỹ năng sống sẽ dẫn đến khả năng không kiềm chế được cảm xúc bản thân và phản kháng lại bằng cách gây bạo lực.
Gia đình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Nếu cha mẹ và các thành viên trong gia đình tôn trọng nhau, cư xử đúng mực, gương mẫu thì con cái sẽ ứng xử, giải quyết mọi vấn đề đúng đắn theo những chuẩn mực đạo đức mà thành viên gia đình đã hình thành trong quá trình chung sống, bạo lực học đường ít xảy ra đối với những học sinh có sự giáo dục tốt từ gia đình…
Nguồn: baophapluat.vnÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Kế hoạch số 02/KH-PGDĐT v/v thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025 của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông
Thời gian đăng: 09/01/2025
Kế hoạch thực hiện Đề án số 03-ĐA-QU ngày 09/11/2020 của Quận ủy về "Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và hướng nghiệp dạy nghề quận Hà Đông giai đoạn 2020-2025" năm 2025
Thời gian đăng: 06/01/2025
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT qui định về việc dạy thêm, học thêm
Thời gian đăng: 06/01/2025
Các biểu mẫu công khai chất lượng năm học 2023-2024
Thời gian đăng: 27/07/2024
Công văn số 3057/SGDĐT-CTTT-KHCN v/v chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Thời gian đăng: 06/09/2024
Quyết định số 4354/QĐ-UBND v/v ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thời gian đăng: 22/08/2024